(Dân trí) - Đêm trắng. Thương lặng nhìn ngọn nến đốt trụi loài thiêu thân, nhìn dậu cúc vàng buồn thiu ngủ dưới ánh trăng. Bất giác, chị cúi đầu ngắm đôi bàn tay xòe rộng, lòng hoang hoải nhớ thơ của người xa xôi: “Nỗi buồn xin lỗi bàn tay/Tấm thân hiu quạnh ngồi say một mình”
Không hiểu men rượu cay hay làn gió trời thổi xộc làm mắt chị ngấn lệ. Thương lục lại tuổi mình, thấy 40 năm trời, đời đã vẽ ra những duyên phận lay lắt và bạc xóa như lau sậy, đời bịt mắt chị bằng muôn thứ phù phiếm nên quay đầu mãi vẫn không tìm ra bến bờ.
Thương nhớ hoài một chiều mưa như trút, chị trốn nhà chạy đi xem bói tay. Bà thầy bói già khọm, nom giống quỷ hơn giống người. Bà ghé qua làng chỉ hai ngày rồi đi vì không chịu nổi lời xua đuổi của dân làng - những người chồng từng thẽ thọt đến xòe bàn tay ra trước mặt bà mong tìm vận may kiếp đỏ đen nhưng chỉ nghe bà vạch lại quá khứ man dại đã đánh đập, giày xéo vợ con đến chết, những người vợ tim giật thót khi nghe bà cầm tay mình mà phán nên bỏ chồng nếu không muốn gặp tai ương. Người ta ruồng rẫy quá khứ, người ta sợ hãi thực tại và tương lai nên kiên quyết đuổi bà lão chỉ ngó bàn tay người đã nhìn thấu tâm can.
Trước khi rời đi, bà thấy một con bé đen nhẻm và ướt nhũn như củ ấu ngấm mưa hớt hải chạy đến tìm mình. Đó là vị khách cuối cùng, đó là Thương lúc tám tuổi. Bà già cầm bàn tay nhỏ, run rẩy những đường tử sinh, thấy tay còn buồn hơn cả cơn mưa chiều. Bà không dám dối gian lời thiên mệnh, giọng nói sang sảng vẫn bám riết Thương đến giờ “số con sớm mất mẹ, chưa qua thời thiếu nữ đã mất nhà, đi hết kiếp đàn bà vẫn bơ vơ chưa chồng, đời con nghèo và bạc như phận lục bình nổi trôi”.
Thương lúc đấy lơ ngơ không hiểu, chỉ nghĩ làm lục bình nghe cũng thi vị, ít ra nó còn dạt xa hơn cái ao làng nơi đàn bà, con gái quê Thương suốt đời cúi mặt xuống đó để giặt giũ, rửa ráy, để mò cua bắt ốc, để soi bóng mình hư hao, tiều tụy.
Nhiều năm sau, càng lún sâu vào đời, Thương càng vùng vẫy cố thoát ra khỏi lời tiên tri ám ảnh. 15 tuổi, mẹ đã bỏ chị mà đi. Sáng đi học, chiều chạy theo phụ mấy cô hàng rong lên thị trấn bán quà chiều, Thương cố níu lại căn nhà một đời mẹ chắt chiu gây dựng, níu lại những bữa cơm có cha con quây quần. Nhưng nỗi đau mất vợ dường như không chạm thấu trái tim vô cảm của cha chị - người đàn ông nát rượu, nghiện lô đề. Chỉ vài năm sau của cải đã lần lượt đội nón ra đi, đến căn nhà cha cũng bán nốt. Đến đứa con gái duy nhất ông cũng toan gả cho một lão góa vợ, mong tiền sính lễ có thể gỡ giúp mình một cửa nợ.
Đêm trước ngày dạm ngõ Thương bỏ trốn, từ đấy cha con li biệt. Cha Thương chắc chỉ nhớ nỗi hận tiền sắp rơi vào tay còn tuột mất còn Thương nhớ nhiều lắm, nhớ cái dáng cha say rượu nằm quắt queo, nhớ di ảnh của mẹ cha đã làm thất lạc, nhớ đôi dép đứt quai lúc chạy đi chị chưa kịp xỏ, nhớ cái ao làng tù đọng những rong rêu...
Người ta bảo con gái cưới hụt lần đầu thì vô duyên. Đời Thương chưa có mối duyên nào lành lặn. Cuộc tình nào cũng vá víu rồi tan vỡ không hẹn trước. Ngần ấy năm bôn ba Thương còn lại một quán ăn nhỏ kiếm sống, một cô con gái ương ngạnh và hun hút nỗi nhớ dành cho những người đàn ông đã ngang qua đời mình.
Thương bắt đầu thấy đầu óc quay cuồng, rượu và nỗi đau đã ngấm vào người chị, nôn nao, nhức buốt. Chị nghĩ đến con gái, đến những chuyến đi bất tận của nó, đến cái miệng hờn dỗi tuyên bố “con sẽ bất chấp tất cả để đi theo tiếng gọi tình yêu”. Rồi chị thảng thốt nhớ đôi bàn tay nó, cũng chi chít những đường mông lung, rối rắm, cũng chồng chéo những duyên nợ đứt đoạn. Thương chìm sâu vào nỗi thất vọng, chị không biết làm thế nào để tìm ra tung tích con gái, để dựng cho nó một gia đình yên ổn, để đời nó thoát ra khỏi điềm báo trước của những đường chỉ tay buồn hiu.
Comments
Post a Comment